Cân nhắc việc cấm xe gắn máy

|

Sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đang đưa ra các giải pháp và lộ trình thích hợp để hạn chế, kiểm soát sự gia tăng quá nhanh các phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, thành phố cũng đề ra các mục tiêu cụ thể trong việc phát triển loại hình vận tải hành khách (VTHK) công cộng, nhằm giảm áp lực lên hạ tầng giao thông (HTGT) đô thị.

Phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT, dự báo đến năm 2020, tại TP Hồ Chí Minh sẽ có hơn 400.000 ô-tô con, trung bình có 45 xe/1.000 dân; xe máy đạt gần 8,4 triệu chiếc, với hơn 900 xe/1.000 dân. Đến năm 2025, xe ô-tô con sẽ đạt hơn 600.000 chiếc, còn xe máy hơn 9,3 triệu chiếc. Đến năm 2030, con số ô-tô con đạt gần 900.000 chiếc và xe máy xấp xỉ… 10 triệu chiếc.

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh chóng của loại hình “xe công nghệ” như Grab, Uber, GrabBike… góp phần không nhỏ đến sự quá tải cho HTGT. Theo thống kê từ Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, nếu như cuối năm 2015 ch??? có khoảng 300 xe ô-tô dưới chín chỗ ngồi đăng ký hoạt động kinh doanh VTHK thì đến hết năm 2016 có hơn 22.000 xe (tăng gấp hơn 70 lần), chủ yếu là Grab và Uber. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 11.500 xe mô-tô, xe máy hai bánh hoạt động VTHK, gồm cả xe ôm truyền thống và xe GrabBike. Thế nên, dự báo đến năm 2020, hệ thống VTHKCC chỉ đáp ứng hơn 12% nhu cầu hằng ngày, còn lại là do vận tải cá nhân.

Trong khi đó, HTGT đô thị TP Hồ Chí Minh hiện đã rất quá tải, diện tích đất dành cho giao thông chỉ đạt 8,6% so diện tích đất xây dựng đô thị, dù theo quy hoạch phải đạt hơn 22%. Hơn thế, theo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số hơn 4.100 km chiều dài cầu đường, có hơn 1.700 km đường có bề rộng lòng đường hơn 7 m, gần 2.100 km đường không có vỉa hè hoặc có nhưng rất nhỏ (dưới 1m), khiến cho các phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn.

Trước sự quá tải trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần đưa ra lộ trình cụ thể để hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông như Hà Nội, bởi thực tế hiện xe máy chiếm gần 7,3 triệu chiếc (hơn 92% số lượng xe các loại) trên địa bàn thành phố và hằng năm không ngừng tăng theo cấp số nhân. Đồng thời, thành phố phải xác định xe buýt là loại hình chủ lực để có chính sách phát triển đúng hướng và bền vững.

Kết nối đồng bộ các loại hình giao thông

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, nếu TP Hồ Chí Minh muốn giảm áp lực cho HTGT thì ngành GTVT thành phố phải thực hiện được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch GTVT. Cụ thể, cần kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường phát triển năng lực VTHK công cộng, đặc biệt là: đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, xe điện mặt đất, tàu điện một ray… Khi đó, đến năm 2020, thị phần VTHK công cộng sẽ chiếm khoảng 25-30% và đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 40-50%.

Còn theo Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh) Dư Phước Tân, trước hết, thành phố cần tiến hành điều tra xã hội học và nghiên cứu kỹ lưỡng đối với từng khu vực đô thị, từng tuyến đường vì mỗi nơi sẽ có đặc điểm giao thông khác nhau. Đặc biệt, cần chú trọng tại các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Từ đó, sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế hay cấm đối với hoạt động của từng loại xe cá nhân cho phù hợp.

Theo PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, muốn hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy thì giải pháp then chốt vẫn là phát triển VTHK công cộng. TP Hồ Chí Minh muốn có h?? thống xe buýt bao phủ thì cần hơn 20.000 chiếc xe buýt cả lớn và nhỏ hoạt động. Hiện thành phố mới chỉ có khoảng 2.000 xe, vì vậy cần giải quyết tìm nguồn vốn đầu tư xe buýt để có thể hiện thực hóa mục tiêu trên.

Mặt khác, theo PGS, TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP Hồ Chí Minh, để kiểm soát phương tiện cá nhân c???n đề cập việc xây dựng và quản lý bãi đậu xe cá nhân. Chính quyền thành phố cũng phải hướng tới việc cho dừng hoạt động của xe máy vào khoảng năm 2030 cũng như có chính sách thu mua xe máy cũ của người dân.

Bên cạnh đó, TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển GTVT, cho rằng, giải pháp cuối cùng trong chuỗi giải pháp trên là TP Hồ Chí Minh cần thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung. Đồng thời, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông và kết nối đồng bộ các loại hình giao thông, nhất là hệ thống VTHK công cộng để “kéo” người dân lại với xe buýt.

Trước những góp ý trên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, đến năm 2030, thành phố chưa thể cấm xe gắn máy. Trước mắt, thành phố sẽ nghiên cứu và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống VTHK công cộng và đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống HTGT. Khi người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện VTHK công cộng thì mới tính đến giải pháp cấm xe máy.

ỨNG DỤNG Giải Trí Trực Tuyến Super Strike